Thế thứ các triều vua
Việt Nam chủ yếu là giới thiệu thế thứ và niên hiệu trước sau của
các triều vua Việt Nam. Mỗi một triều đại, chúng tôi lần lượt cung cấp cho bạn
đọc các thông tin chính sau đây :
− Họ và tên
của các vua.
− Thân sinh và
thân mẫu của các vua.
− Ngày, tháng,
năm sinh của các vua.
− Ngày, tháng,
năm được lập làm thái tử (nếu có) và ngày, tháng, năm lên ngôi của các
vua.
− Ngày, tháng,
năm làm thượng hoàng và tổng cộng thời gian làm thượng hoàng (nếu
có).
− Niên hiệu và
thời gian sử dụng cụ thể của niên hiệu đó.
− Tổng cộng
thời gian ở ngôi.
− Ngày, tháng,
năm mất và tuổi thọ của từng vua.
− v.v…
Có một thực tế
không thể phủ nhận trong lịch sử là không phải lúc nào ở nước ta cũng chỉ có một
triều vua duy nhất, và trong nhiều thế kỉ, bên cạnh vua, triều đình còn có cả
chúa nữa. Sách này không làm nhiệm vụ đánh giá mà chỉ làm nhiệm vụ thống kê. Bởi
vậy, vua chúa các đời dẫu yếu hay mạnh, quản lí dân cư và đất đai ít hay nhiều,
vị trí lịch sử thấp hay cao… chúng tôi đều cố gắng giới thiệu tất cả những gì
liên quan đến thế thứ của họ mà chúng tôi đã thu thập
được.
Tất nhiên, tất cả mọi thông tin đều
được khai thác trực tiếp từ nguyên bản chữ Hán của các bộ sử cũ. Chúng tôi cố
gắng làm như vậy, chẳng qua cũng chỉ vì muốn tránh tình trạng “tam sao thất bản”
hiện đang khá phổ biến mà thôi.
Thư tịch cổ
của ta là nguồn tư liệu chủ yếu nhất, nhưng cuốn Thế thứ các triều vua Việt Nam
này không phải chỉ được viết trên cơ sở dịch và hệ thống những ghi chép trong
thư tịch cổ của ta. Ở khá nhiều trường hợp, thư tịch cổ của ta cũng đã tự bộc lộ
sự thiếu nhất quán, nhất là phần chép lịch sử từ thế kỉ thứ X trở về
trước.
Để chỉnh lí,
chúng tôi vừa tham khảo kết quả nghiên cứu của những người đi trước, vừa cố gắng
đối chiếu với thư tịch cổ của Trung Quốc.
Xưa nay, các sách thường chỉ chủ yếu
là giới thiệu thời gian trị vì của các đời vua. Chúng tôi cũng làm như vậy.
Nhưng để bạn đọc dễ hình dung hơn, chúng tôi cung cấp thêm hai dạng thông tin
khác, đó là phạm vi lãnh thổ và dân số của đất nước qua các đời. Những thông tin
này nằm tản mạn trong sử cũ, việc thống kê rất khó khăn. Phần giới thiệu thêm
của chúng tôi có thể là không cần thiết đối với tất cả bạn đọc, nhưng thiết nghĩ
là với những bạn đọc ít có thời gian để đi tra cứu ở các thư viện, ắt cũng có
chút ích lợi nhất định nào đó. Cuối sách, chúng tôi lập bảng hướng dẫn cách
chuyển đổi âm dương lịch, và bảng tra niên hiệu các đời vua (có kèm chữ Hán) sắp
xếp theo vần chữ cái của tiếng Việt.
Quyển sách nhỏ này được biên soạn
ngay trong quá trình biên soạn bộ Việt sử giai thoại (8 tập) và một số công
trình khác. Nếu không có sự động viên chân tình và mạnh mẽ của Nhà xuất bản Giáo
dục và sự cổ vũ của các bậc đồng nghiệp, chúng tôi khó có thể hoàn thành công
việc đúng như dự kiến ban đầu. Nhân dịp sách đến được với bạn đọc gần xa, chúng
tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với Nhà xuất bản Giáo dục và
với các bậc đồng nghiệp, đặc biệt là hai nhà sử học lão thành : Giáo sư TRẦN VĂN
GIÀU và Giáo sư LÊ VĂN SÁU. Chúng tôi cũng hi vọng là sẽ nhận được những ý kiến
đóng góp của bạn đọc, để khi có dịp tái bản, chúng tôi sẽ sửa chữa, làm cho cuốn
sách này ngày một tốt hơn.